Trầm cảm sau sinh

5/5 - (1 bình chọn)

Trầm cảm sau sinh ,Tâm lý phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng, kết hợp nhiều yếu tố tác động gây nên chứng trầm cảm sau sinh. Nếu không được phát hiện và có phương pháp điều trị tâm lý đúng cách thì chứng trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.

Trầm cảm sau sinh: nguyên nhân

Trầm cảm thực chất là một bệnh rối loạn cảm xúc do não bộ bị ức chế, rối loạn. Thông thường, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới (gấp 2 lần so với nam giới) nên những biến đổi về sinh hoạt, hormone,… sau khi sinh có thể khiến bệnh bùng phát.

Trầm cảm sau sinh điển hình bởi khí sắc trầm buồn, mệt mỏi, uể oải,…
Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau khi sinh thường biểu hiện qua những triệu chứng sau:

– Triệu chứng về cảm xúc (cảm xúc bị ức chế):

Khí sắc trầm buồn, có cảm giác buồn bã kéo dài, buồn không rõ nguyên nhân, mức độ buồn chán có thể tăng lên dẫn đến hành vi bạo lực với con trẻ hoặc thậm chí là tự sát.

  • Cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng, chán nản
  • Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng
  • Luôn cảm thấy bản thân xấu xí, bất tài, vô dụng, kém hấp dẫn, có cảm giác hối hận và tội lỗi
  • Lo âu, lo lắng quá nhiều, có rất nhiều luồng suy nghĩ đan xen trong đầu nhưng đa phần đều mơ hồ, không rõ ràng
  • Sợ hãi, lo lắng và luôn có cảm giác bản thân làm tổn thương đứa trẻ
  • Sợ bị bỏ rơi, ở 1 mình và sợ phải đi ra bên ngoài

– Dấu hiệu về hành động:

  • Mất hoặc giảm sự yêu thích, hứng thú và quan tâm với mọi thứ xung quanh – kể với những thói quen, món ăn, hoạt động yêu thích trước đây
  • Cảm giác kiệt sức, nhanh mệt mỏi sau khi làm việc và không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào
  • Ăn uống quá mức hoặc chán ăn
  • Không quan tâm, chăm sóc bản thân
  • Rối loạn giấc ngủ (ngủ ngày, thức đêm, ngủ quá nhiều, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng,…)
  • Ngại gặp gỡ, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh

– Các biểu hiện về suy nghĩ:

  • Khó khăn khi đưa ra quyết định – ngay cả với những việc đơn giản nhất
  • Nhầm lẫn, giảm trí nhớ
  • Giảm sự tập trung, chú ý khi làm việc nhà, chăm sóc con cái, học tập và làm việc
  • Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát
  • Có ý nghĩ làm tổn thương đứa trẻ và người thân

– Các triệu chứng khác:

  • Vã mồ hôi
  • Hồi hộp
  • Đau đầu
  • Giảm hứng thú tình dục, thậm chí cảm thấy khó chịu khi bạn đời ôm ấp, gần gũi

Nguyên nhân gây trầm cảm sau khi sinh

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố có thể gây trầm cảm sau sinh nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên đối với phụ nữ sau khi sinh, sự sụt giảm và bất ổn của hormone được xem là yếu tố chủ yếu.

Một số nguyên nhân, yếu tố được xác định có thể gây ra bệnh trầm cảm sau khi sinh:

1. Hormone thay đổi đột ngột

Sau khi sinh nở, nồng độ hormone progesterone và estrogen sụt giảm một cách đột ngột. Ngoài ra, sự sụt giảm của hormone tuyến giáp trong giai đoạn này cũng góp phần gây ra chứng trầm cảm.

Sự thay đổi hormone sau khi sinh là yếu tố gia tăng nguy cơ bị trầm cảm

Trên thực tế, hormone thay đổi khiến phụ nữ mang thai và sau khi sinh trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, buồn phiền, chán nản,… Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là nguyên nhân trực tiếp gây ra các rối loạn tâm thần ở phụ nữ sau sinh. Thực tế, rối loạn hormone chỉ được xem là yếu tố cộng hưởng dẫn đến trầm cảm và các rối loạn cảm xúc.

2. Mất ngủ/ thiếu ngủ

Mất ngủ/ thiếu ngủ và trầm cảm là hai chứng bệnh có mối tương quan qua lại. Trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng rối loạn giấc ngủ và tình trạng mất ngủ kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đồng thời khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Mất ngủ là vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh do tác động của rối loạn hormone, rối loạn đồng hồ sinh học do phải chăm sóc con cái, lo âu, suy nghĩ quá nhiều,… Các nghiên cứu cũng cho thấy, chất lượng giấc ngủ kém làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần.

3. Di truyền

Nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh có thể cao hơn ở những trường hợp có người thân trong gia đình mắc chứng bệnh này. Hoặc người mẹ từng có tiền sử bị trầm cảm ở những lần sinh trước.

Trầm cảm sau sinh là bệnh lý có khả năng di truyền

Trầm cảm và các bệnh rối loạn cảm xúc đã được chứng minh có khả năng di truyền. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy, cơ chế bệnh sinh của chứng bệnh này có sự tham gia của một số gen. Vì vậy, sản phụ có mẹ, chị/ em gái bị trầm cảm sau sinh cần chủ động tầm soát để kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị.

4. Sang chấn tâm lý

Sang chấn tâm lý được xem là nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm sau sinh bên cạnh rối loạn hormone. Tâm lý bị kích động có thể bắt nguồn từ:

  • Mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng và các mối quan hệ gia đình
  • Sinh khó, trẻ sinh ra mắc bệnh bẩm sinh, nan y hoặc con chết ngay sau khi sinh
  • Lo lắng quá mức về việc chăm sóc con cái (thường gặp ở người mang thai khi tuổi còn nhỏ, lần đầu tiên làm mẹ,…)
  • Phải tự mình chăm sóc con cái, không nhận được sự hỗ trợ từ bạn đời và người thân
  • Thiếu sự quan tâm, không có người động viên và chia sẻ. Một số nam giới cũng có thể bị trầm cảm sau sinh do người vợ quá chú tâm đến con trẻ mà không quan tâm đến mình
  • Mang thai ngoài ý muốn, không hề biết bản thân mang thai cho đến khi sinh nở, con ngoài giá thú
  • Không được nhìn mặt và chăm sóc con (mang thai hộ hoặc do bị ép buộc phải rời xa con do nhiều nguyên nhân khác)
  • Lo lắng về vấn đề tài chính, sợ con cái ảnh hưởng đến công việc

5. Những yếu tố nguy cơ

Ngoài ra, nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố như:

Nghiện rượu bia làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh
  • Tiền sử trầm cảm trước đó
  • Tiền sử rối loạn lo âu
  • Có tiền sử rối loạn lưỡng cực, đặc biệt type 2 (thể bệnh đặc trưng bởi giai đoạn trầm cảm nhiều hơn hưng cảm)
  • Gần ngày sinh phải đối mặt với những biến cố như mất việc làm, gia đình phá sản, mất người thân, bạo hành gia đình,…
  • Tiền sử lạm dụng ma túy và nghiện rượu

Test trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là tình trạng thường xuyên mệt mỏi, buồn chán, lo lắng sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và sẽ không được chăm sóc con.

Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần có tỷ lệ dao động từ 16 – 20% tùy theo nghiên cứu của mỗi nơi hay mỗi quốc gia. Ở Việt nam, theo nghiên cứu Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm 12,5%, nghiên cứu của Bệnh viện Hùng Vương 33%.

 

Hậu quả của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời có thể để lại những hậu quả đến cả mẹ và bé:

Hậu quả Ngắn hạn  Dài hạn 
Trẻ em
  • Mẹ ít cho con bú
  • Trẻ bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi
  • Trẻ ít được chăm sóc, không được tiêm chủng đầy đủ.
  • Rối loạn hành vi ở trẻ
  • Trẻ tiếp xúc với tác động tiêu cực trầm cảm từ mẹ
  • Trẻ chậm phát triển nhận thức.
Đối với mẹ Liên quan với độ nặng và thời gian kéo dài trầm cảm. Liên quan đến trầm cảm tái diễn về sau.

 

Thang đánh giá mức độ trầm cảm sau sinh (EPDS)

Trong những công cụ tầm soát được hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng có test đánh giá trầm cảm sau sinh EPDS rất hay được sử dụng.

Câu trả lời được đánh giá theo mức điểm 0,1,2,3 tăng dần theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Các câu được đánh dấu (*) thì thang điểm ngược lại (3, 2, 1, 0). Tổng điểm được tính bằng cách cộng điểm của mỗi câu hỏi.

Nguyên tắc: Hãy chọn đáp án đúng nhất với cảm xúc của bạn trong vòng 7 ngày qua

Câu 1 – Tôi có thể cười và xem xét các sự kiện dưới khía cạnh hài hước

0. Vẫn như trước đây
1. Hiện giờ không nhiều như trước
2. Rõ ràng hiện giờ có giảm sút
3. Hầu như không thể

Câu 2 – Tôi vẫn thấy được các thú vui từ sự việc

0. Vẫn như trước kia
1. Hơi giảm hơn so với trước đây
2. Rõ ràng giảm so với trước đây
3. Hầu như không thể

Câu 3* – Tôi đã tự khiển trách (đổ lỗi) mình một cách không cần thiết khi có chuyện sai

3. Có, luôn luôn như vậy
2. Có, thỉnh thoảng mà thôi
1. Không thường xuyên
0. Không, không bao giờ

Câu 4 – Tôi cảm thấy lo âu hoặc lo lắng không lý do

0. Không bao giờ
1. Hiếm khi
2. Thỉnh thoảng
3. Thường xuyên

Câu 5* – Tôi đã cảm thấy lo sợ hoặc hoảng loạn không rõ lý do

3. Có, khá nhiều lần
2. Có, thỉnh thoảng
1. Không, không nhiều lắm
0. Hầu như không

Câu 6 – Mọi việc trở nên cực kỳ khó khăn đối với tôi 

3. Tôi gần như không thể kiểm soát và xử lý tình huống được như trước đây
2. Thỉnh thoảng tôi không kiểm soát tốt được như trước đây
1. Hầu hết thời gian tôi kiểm soát tốt
0. Tôi kiểm soát và xử lý mọi việc vẫn tốt như trước đây

Câu 7* – Tôi đã từng cảm thấy không vui tới mức khó ngủ

3. Có, hầu hết thời gian
2. Có, thỉnh thoảng
1. Không thường xuyên
0. Không chút nào

Câu 8* – Tôi cảm thấy buồn hoặc bất hạnh 

3. Có, hầu hết thời gian
2. Có, khá thường xuyên
1. Chỉ thỉnh thoảng
0. Không, không bao giờ

Câu 9* – Tôi đã từng cảm thấy buồn, không vui tới mức phát khóc

3. Có, hầu hết thời gian
2. Có, khá thường xuyên
1. Chỉ thỉnh thoảng
0. Không, không bao giờ

Câu 10* – Những ý nghĩ tự gây tổn thương cho mình đã từng xuất hiện trong đầu tôi

3. Có, khá thường xuyên
2. Thỉnh thoảng
1. Hiếm khi
0. Không bao giờ

 

Kết quả đánh giá mức độ trầm cảm sau sinh 

  • Nếu tổng số điểm > 12: khẳng định bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh nặng.
  • Nếu tổng số điểm >= 9 điểm hoặc có ý định tự tử cần đi khám và theo dõi ngay lập tức.
  • Nếu tổng số điểm < 9 và bác sĩ chuyên khoa nhận thấy có dấu hiệu trầm cảm cũng cần được can thiệp.

Test EPDS chỉ là công cụ sàng lọc, giúp bạn có đánh giá khách quan ban đầu, việc chẩn đoán trầm cảm và điều trị như thế nào phải được thực hiện bởi bác sĩ Tâm thần.

Vượt qua trầm cảm sau sinh

Nhận thức về trầm cảm sau sinh rất quan trọng để có thể phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp người bệnh có cách vượt qua trầm cảm sau sinh tốt. Đặc biệt, lúc này người bệnh rất cần sự quan tâm từ người chồng, bạn bè và gia đình. Khi nhận thấy các triệu chứng kéo dài quá 1 tuần, hãy nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ.

Câu chuyện trầm cảm sau sinh

Rơi xuống vực thẳm mệt mỏi vì những mâu thuẫn với mẹ chồng

Vì còn phải thuê nhà, nên sinh đứa con đầu lòng, Lan phải chọn cách xa chồng để về quê sinh nở. Nhưng không ngờ, đây là quyết định sai lầm nhất của cô khiến cô bị trầm cảm sau sinh.

Những tưởng về quê, sẽ có một chỗ ở đàng hoàng hơn phòng trọ, sẽ có được sự quan tâm chăm sóc và kinh nghiệm chăm cháu của mẹ chồng. Nhưng không ngờ, từ khi sinh con, lúc nào tâm trạng cô cũng buồn bực, chán nản vì những mâu thuẫn với mẹ chồng.

Lúc mới sinh, con trai Lan rất hay quấy khóc, đặc biệt là khóc đêm. Mẹ chồng Lan vì phải thức đêm mệt mỏi nên lúc nào cũng bực dọc, trách móc Lan. Nào là cô không mát tay nuôi con, không biết chăm con, sống không có tâm, không đi chùa chiền nên không được hưởng phúc, ….Con đi ngoài cũng là do Lan “ăn cho sướng mồm, chỉ biết đến bản thân”, con còi cọc là do “cô sống keo kiệt, không chịu ăn uống nên giờ cháu tôi còi cọc”.

 

Những lời nói của mẹ chồng như những nhát dao cứa vào lòng Lan, và trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi không nguôi của cô. Cô tự hỏi, không biết từ bé đến giờ, mình đã làm điều gì ác mà con lại khóc nhiều như thế, tại sao mình vụng về, không biết chăm con…rồi tự dằn vặt, đay nghiến bản thân. Bao nhiêu đêm con khóc, cũng là bấy nhiêu đêm nước mắt người mẹ trẻ chảy dài bởi những lời trách móc mình. Nhiều lúc nghĩ cùng quẫn, cô đã có ý định tự tử cho xong số kiếp này.

Mang nặng đẻ đau, sinh con ra nhưng lại…ghét con

Còn câu chuyện của Hương lại khác, chín tháng mang nặng đẻ đau, nhưng khi sinh con ra, cô nhìn con mà không muốn bế, chỉ mong có người khác bế con mình. Hễ nghe tiếng con khóc, con o oe là Hương chỉ muốn đập phá, nếu vô tình vớ được gì đó lúc ấy, Hương sẽ xé nát những gì có thể xé, đập vỡ những gì có thể đập, gào thét với bất kì ai. Con càng khóc Hương càng ghét, chỉ muốn đánh, mắng, ….mặc dù biết rõ đó là đứa con mình vừa mang nặng đẻ đau. Đó là thời gian khủng khiếp nhất của Hương, nhất là khi cô phải cho con bú, những cảm giác giằng xé nội tâm thật khổ sở.

Cũng may, nhà chồng Hương nghĩ ngay đến việc Hương có bệnh, và đã đưa cô đi trị liệu tâm lí, thuốc thang kịp thời, nên bệnh của Hương ngày càng thuyên giảm, tâm trạng của Hương cũng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Nếu xuất hiện tâm lí trầm buồn sau sinh- hãy nghĩ đến trầm cảm.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Bệnh viện tâm thần Mai Hương, có thể nói, sinh nở là một trong những cuộc thay đổi lớn của người phụ nữ, sự thay đổi có thể đến từ thể chất, từ tinh thần và tâm lí, hành động của người phụ nữ.

“Sinh nở là một trong những biến cố cơ bản là điều kiện thuận lợi của bệnh trầm cảm. Đây được coi là “giọt nước làm tràn ly” đối với những người phụ nữ trước đó đã có những mầm mống của biểu hiện trầm cảm, sinh nở là một cái cớ để bệnh trầm cảm bộc phát ra một cách trọn vẹn, đầy đủ, thực sự nhất” – TS Hùng cho biết.

Việc sinh nở cũng là một trong những tác nhân trực tiếp gây nên bệnh trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có thể phát sinh sau sinh con bởi sự xuất hiện của thành viên mới nhưng lại gặp những vấn đề tâm lí như: Tủi thân khi không nhận được sự quan tâm cần thiết của chồng và người thân, chuyện vất vả trong chăm sóc con, những thay đổi về nội tiết sau giai đoạn mang thai và sinh nở, việc dùng thuốc ….

Xuất hiện trầm cảm sau sinh có thể khiến phụ nữ ghét con, ghét chồng, ghét gia đình nhà chồng…Nhưng cũng có những biểu hiện giống những bệnh trầm cảm thông thường như cảm giác buồn bã kéo dài, đau khổ, bi quan, tư duy chậm chạp, không muốn làm việc gì, đôi khi có thể hại những người thân của mình,….và nhiều người có xu hướng muốn tự sát.

Chính vì vậy, để người vợ lấy lại cân bằng tâm lí, điều quan trọng nhất, những người thân trong gia đình như chồng, cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ, anh chị em,…cần có sự quan tâm đặc biệt, đúng mức,…để họ hoàn thành sứ mệnh sinh nở và nuôi con của người phụ nữ.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Trầm uất: Bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, hay muốn khóc phần lớn thời gian trong ngày. Ở một vài thời điểm nhất định trong ngày như buổi sáng hoặc buổi tối bạn có thể cảm thấy tệ hơn nhiều. Người nhà có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này thông qua vẻ mặt buồn rầu, ủ rũ của bệnh nhân.

Cáu gắt: Bạn cảm thấy mình dễ nổi giận, hay gắt gỏng với chồng, con bạn hay những người khác, một số bà mẹ không kiềm chế được cảm xúc, đánh con sau đó lại cảm thấy mình vô dụng.

Mệt mỏi: Trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và thiếu năng lượng, thậm chí việc chăm sóc con, chăm sóc bản thân, cũng trở nên quá sức.

Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều: Mất ngủ thường gặp ở người mới sinh con. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng bạn không thể ngủ được, bạn nằm đó thao thức và lo lắng đủ thứ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình tỉnh giấc hoặc dậy rất sớm. Một số trường hợp có thể ngủ rất nhiều.

Bồn chồn: Bạn vẫn thấy bồn chồn không yên, không thể ngồi yên một chỗ mà phải đi lại, tuy vậy chỉ một vài cử động nhỏ cũng khiến bạn cảm thấy mất nhiều sức lực.

Thay đổi khẩu vị: Bạn không muốn ăn uống hoặc mất khẩu vị, quên ăn. Một số người ăn để xả stress nhưng lại lo lắng nhiều việc mình có thể tăng cân.

Không thích thú bất kỳ thứ gì: Bạn cảm thấy không thích thú hay tận hưởng bất kỳ điều gì. Bạn có thể không cảm thấy vui sướng khi ở chung với con của mình.

Mất hứng thú với tình dục: Trầm cảm sau sinh có thể lấy đi bất kỳ sự ham muốn nào, có thể là vì quá đau hay bạn quá mệt mỏi. Người bạn đời có thể không hiểu điều này nếu bạn không chia sẻ cảm xúc thực của mình và cảm thấy bị bỏ rơi.

Suy nghĩ tiêu cực và hay cảm thấy tội lỗiTrầm cảm có thể tác động đến cách suy nghĩ của bạn theo chiều hướng tiêu cực, chẳng hạn:

– Bạn có thể muốn gây tổn thương bản thân mình hoặc con hoặc cả hai.

– Bạn có thể có những suy nghĩ như “mình không phải là người mẹ tốt” hay “con mình không thương mình”

– Bạn có thể cảm thấy có lỗi vì nghĩ như vậy hoặc cho rằng mọi vấn đề đều do lỗi của bạn

– Bạn có thể mất tự tin

– Bạn có thể cảm thấy mình không chống đỡ nổi nữa

Lo âu quá mức – Dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường gặp: Cảm giác lo lắng mọi thứ khi mới làm mẹ là điều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn mắc trầm cảm sau sinh, nỗi lo sợ này có thể trở nên quá mức chịu đựng. Bạn có thể lo lắng:

– Con mình quá yếu

– Cân nặng của con không đủ

– Con khóc quá nhiều và bạn không thể làm con nín khóc

– Con quá im ắng và có thể ngừng thở

– Bạn có thể tổn thương con

– Bạn gặp vấn đề về sức khỏe

– Bạn lo chứng trầm cảm sau khi sinh của mình sẽ không bao giờ khá lên được

– Bạn lo lắng sợ hãi khi ở một mình với con và cần sự trấn an liên tục từ chồng, người thân trong gia đình.

– Khi cảm thấy lo âu, bạn có thể có một vài triệu chứng sau: Tim đập mạnh, mạch đập nhanh, không thở được, đổ mồ hôi, sợ rằng mình sẽ ngất xỉu hoặc bị trụy tim.

– Bạn tránh những nơi đông đúc hoặc các tình huống tương tự, vì bạn lo rằng mình sẽ có triệu chứng hoảng sợ.

Tránh né những người khác: Bạn lựa chọn tránh gặp gỡ gia đình, bạn bè hoặc cảm thấy khó khăn khi phải đi gặp những nhóm hỗ trợ giúp trầm cảm sau khi sinh.

Tuyệt vọng: Mọi chuyện bế tắc với bạn và sẽ chẳng bao giờ khá hơn. Bạn cũng có thể cảm thấy cuộc sống này chẳng đáng nữa, thâm chí bạn có suy nghĩ về gia đình sẽ tốt hơn khi bạn không còn.

Suy nghĩ tự tử: Ở trầm cảm sau sinh thường có những ý định và hành vi tự sát, cùng hành vi giết đứa con, điều này rất nguy hiểm.

Nếu bạn bắt đầu có những suy nghĩ muốn tổn thương bản thân hoặc người khác thì bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt

Hậu quả trầm cảm sau sinh

  • Ảnh hưởng đến bản thân người mẹ

Thể chất: sụt cân, suy dinh dưỡng.
Tinh thần: suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm.

  • Ảnh hưởng đến người thân

Nhẹ: Chồng và con không được chăm sóc tốt. Gia đình không được vui vẻ.

Nặng: Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).  Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.

Điều trị trầm cảm sau sinh

Để điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả, cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau như: sử dụng thuốc chống trầm cảm, tư vấn tâm tâm lý từ bác sĩ chuyên khoa và sự hỗ trợ từ gia đình.

Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó giúp điều chỉnh tâm trạng người bệnh. Một số thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: nhóm thuốc này tác động lên cả nồng độ của serotonin và norepinphrine. Các thuốc phổ biến gồm: Amitriptylin, Clomipramin, Imipramin,…Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu,…
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin: gồm các thuốc sau Fluoxetin, Sertraline, Paroxetine,…Các thuốc này dung nạp khá tốt và khá an toàn khi cho con bú vì lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ ít.
  • Ngoài ra còn các loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị trầm cảm sau sinh như Selegiline, Mirtazapine, Benzodiazepine,…

Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và cả bé thông qua sữa mẹ. Do đó, không được sử dụng thuốc chống trầm cảm bừa bãi, phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị không dùng thuốc

Tư vấn tâm lý: đây là liệu pháp được ưu tiên lựa chọn khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ. Các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn sẽ trò chuyện, hỗ trợ người bệnh vượt qua các chướng ngại tâm lý trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, động viên từ gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Người thân nên quan tâm, chú ý hơn tới người bệnh, để ý các dấu hiệu bất thường và đảm bảo người bệnh uống thuốc đầy đủ. Ngoài ra bệnh nhân cần tăng cường thư giãn, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, tiếp xúc, nói chuyện với người thân, bạn bè nhiều hơn.

Các mức độ trầm cảm sau sinh

Có 3 mức độ của bệnh trầm cảm sau sinh ở các mẹ như sau:

  • Nỗi buồn em bé

Mức độ này có thể xảy ra ở hầu hết phụ nữ sau sinh và được coi là bình thường. Sau khi sinh con, tâm trạng mẹ dễ thay đổi đột ngột, chẳng hạn vui buồn bất chợt. Mẹ có thể khóc mà không cần lý do, dễ cáu gắt, bồn chồn hoặc cảm thấy cô đơn. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài giờ hoặc 1-2 tuần sau sinh. “Nỗi buồn em bé” không đến mức cần điều trị y tế, mẹ có thể tham gia các hội nhóm làm mẹ để giải tỏa tâm lý.

  • Mức độ trầm cảm

Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra sau vài ngày hoặc thậm chí vài tháng sau sinh, có thể xuất hiện sau bất cứ kỳ sinh nào chứ không nhất thiết sinh lần đầu.

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh mức độ này cũng tương tự “nỗi buồn em bé” như buồn bã, tuyệt vọng, lo lắng, khó chịu… nhưng ở mức nặng nề hơn. Lúc này người mẹ cần đến sự giúp đỡ từ bác sĩ/ chuyên gia tâm lý để có một kế hoạch điều trị, nếu không các vấn đề trên ngày càng tồi tệ hơn.

  • Rối loạn tâm thần

Trầm cảm sau sinh lúc này đã là một bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể ảnh hưởng không chỉ đến mẹ mà còn em bé. Bệnh có thể xảy ra nhanh, thường trong vòng ba tháng đầu sau khi sinh. Người mắc bệnh thường xuất hiện ảo giác thính giác (nghe những điều không thực sự xảy ra), ảo tưởng (tin vào điều không hợp lý), ảo giác thị giác (thấy những vật không thật), dễ cảm thấy kích động giận dữ và có các hành vi bất thường. Bệnh trầm cảm sau sinh ở mức độ này cần được điều trị ngay lập tức và hầu như luôn cần dùng đến thuốc hoặc đưa vào bệnh viện để tránh gây tổn thương cho chính mình và người khác.